Việc lựa chọn giày leo núi hoặc giày trekking phù hợp là yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn và thoải mái trong suốt hành trình. Đôi giày không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ chấn thương ở các khớp như lưng, đầu gối, mắt cá chân mà còn ngăn ngừa các vấn đề về chân như ẩm ướt, phồng rộp. Tuy nhiên, do cấu trúc chân mỗi người là khác nhau nên việc tìm kiếm một đôi giày phù hợp là điều không hề đơn giản.
Để chọn một đôi giày trekking phù hợp, bạn cần xem xét nhiều yếu tố đặc biệt là:
- Dáng người
- Trọng lượng của ba lô
- Loại địa hình bạn sẽ đi qua
Trong bài viết này, Viettrekking sẽ cung cấp tất cả những thông tin cần thiết để giúp bạn tìm được đôi giày trekking phù hợp nhất.
1. Điều gì quan trọng nhất khi chọn giày trekking?
Hiện nay có rất nhiều các loại giày trekking khác nhau: cao, thấp, thoáng khí, chống thấm, nặng, nhẹ… nhưng các tiêu chí nào sẽ giúp bạn lựa chọn đúng đắn nhất?
Khả năng hỗ trợ mắt cá chân
Trừ khi bạn chỉ đi bộ trên những con đường bằng phẳng, ít gồ ghề và không có sự thay đổi lớn về độ cao, giày leo núi của bạn cần phải có chức năng hỗ trợ và bảo vệ mắt cá chân. Điều này càng quan trọng hơn trong các chuyến đi dài ngày, khi bạn phải di chuyển qua nhiều loại địa hình khác nhau.
Việc chọn giày trekking có khả năng hỗ trợ tốt cho mắt cá chân sẽ hạn chế tối đa tình trạng bị bong gân cũng như giữ cho khớp ổn định, giúp giảm đau và ngăn ngừa những cơn đau xuất hiện vào cuối ngày hoặc sau nhiều ngày trekking.
Độ cứng của đế giày
Nếu bạn trekking trên những cung đường gồ ghề thì nên chọn giày có đế cứng vì nó hỗ trơ nâng đỡ bàn chân tốt hơn đồng thời giúp bạn di chuyển trên đá tảng mà không lo bị trơn trượt hay làm giày bị biến dạng.
Còn nếu cung đường trekking không quá có nhiều sự thay đổi về độ cao thì bạn có thể lựa chọn giày leo núi có đế mềm.
Độ bám của đế giày
Chọn giày trekking có độ bám tốt là yếu tố rất quan trọng đối với hầu hết các chuyến leo núi. Nếu bạn đi giày thể thao hay giày có đế trơn, bạn sẽ dễ bị trơn trượt ngay khi gặp vũng bùn hay những tảng đá ướt!
Vì vậy, một đôi giày trekking có gai sẽ an toàn hơn cho chuyến đi của bạn. Gai sâu và đế rộng là lựa chọn lý tưởng cho những địa hình bùn lầy, còn gai nông và đế rộng lại thích hợp hơn cho các địa hình đá cứng.
Khả năng chống thấm
Hiện nay, có một số chất liệu có khả năng chống thấm tốt hơn và bảo vệ chân khỏi nước hiệu quả. Các loại màng như Gore-Tex, Novadry, Sympatex, v.v. cung cấp khả năng chống thấm nhất định (tùy vào chỉ số chống thấm), đồng thời vẫn giữ được sự thoáng khí.
Chúng giúp chân bạn khô ráo khi đi qua cỏ ướt, bùn, mưa, thậm chí khi bạn dẫm vào vũng nước. Tuy nhiên, khả năng chống thấm sẽ không duy trì lâu nếu bạn di chuyển trong nước trong thời gian dài.
Làm thế nào để kéo dài khả năng chống thấm của giày trekking?
Hãy thường xuyên vệ sinh giày vì bùn có thể ăn mòn và làm hỏng lớp màng bảo vệ. Đầu tiên, bạn nên chải sạch giày, sau đó dùng kem chăm sóc phù hợp. Bạn cũng có thể sử dụng xịt hoặc kem chống thấm để tăng hiệu quả bảo vệ.
2. Mẹo bảo quản giày trekking
Giày trekking là một trong những món đồ quan trọng nhất trong bộ dụng cụ leo núi mà bạn không muốn phải thay mới quá thường xuyên. Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn chọn được đôi giày phù hợp, bền bỉ và đồng hành cùng bạn lâu dài.
Chất liệu
- Giày da leo núi rất bền, có thể sử dụng lâu dài và chống thấm nước tốt, nhưng lại khá nặng.
- Giày nubuck (da đã qua xử lý) nhẹ hơn một chút, nhưng độ bền không bằng giày da.
- Giày làm từ chất liệu tổng hợp (lưới) rất nhẹ và thoáng khí, tuy nhiên chúng dễ bị hư hỏng và không chống thấm nước tốt.
Lớp giữa đế giày
- Đế EVA mang lại khả năng giảm chấn tuyệt vời nhưng sẽ mòn nhanh.
- Đế bọt ít giảm chấn hơn nhưng bền hơn đế EVA.
- Đế vi mạch được tích hợp trong giày cao cấp, rất nhẹ, có khả năng giảm chấn tốt và ổn định, nhưng mòn nhanh.
Đế giày
- Đế cao su cứng thường được sử dụng trong giày trekking địa hình núi cao, có độ bám cực tốt và bền bỉ theo thời gian.
- Đế cao su trung bình mềm hơn nhưng vẫn có độ bám tốt, giúp chân di chuyển tự nhiên hơn. Loại đế này thường được sử dụng cho cung đường núi độ cao trung bình và địa hình đa dạng.
- Đế cao su mềm được sử dụng cho địa hình dễ, giúp chân di chuyển linh hoạt nhưng độ bền sẽ không bằng những loại đế cứng.
Vệ sinh giày thường xuyên
Muốn đôi giày trekking luôn bền đẹp như mới, đừng quên “chăm sóc” chúng thường xuyên nhé! Bởi vì bùn đất bám lâu ngày có thể khiến giày của bạn bị hư hỏng, đặc biệt là phần đế và các móc kim loại.
Đầu tiên, hãy nhẹ nhàng chải sạch bùn đất bám trên giày bằng bàn chải lông mềm. Nếu cần, bạn có thể dùng thêm một ít nước để làm sạch. Với giày da hoặc nubuck, hãy sử dụng kem dưỡng da chuyên dụng để giữ cho giày luôn mềm mại và bền đẹp. Nhớ chọn loại kem dưỡng phù hợp với chất liệu giày nhé!
Đối với giày làm từ chất liệu tổng hợp, bạn nên thường xuyên xịt chống thấm để bảo vệ giày khỏi nước và các vết bẩn.
3. Cách thử giày trekking
Với những kiến thức đã trang bị, việc tiếp theo là thử giày. Dưới đây là một số lưu ý khi thử giày để đảm bảo sự thoải mái và phù hợp nhất cho đôi chân của bạn.
Khi thử giày, hãy đảm bảo có khoảng trống vừa đủ để di chuyển các ngón chân. Cụ thể, bạn nên để lọt một ngón tay vào khoảng cách giữa gót chân và phần sau của giày. Đôi giày cần ôm chân chắc chắn, giúp cố định cổ chân và ngăn ngừa tình trạng chân bị xê dịch khi di chuyển. Nếu cảm thấy gót chân bị hở, hãy thử size khác hoặc mẫu giày có phần cổ cao hơn. Ngón chân cần có đủ không gian để cử động tự nhiên.
Hãy đi lại thử để cảm nhận sự thoải mái của đôi giày. Mặc dù cảm giác ban đầu có thể hơi cứng cáp, nhưng độ cứng của giày sẽ giúp bảo vệ bàn chân và tăng độ bám khi bạn di chuyển trên địa hình phức tạp.
Để có kết quả chính xác nhất, hãy thử giày cùng với loại tất mà bạn thường xuyên sử dụng khi đi trekking.